Cách mẹ dạy mình giữ gìn đồ đạc

Hồi lớp 1, mình được tặng 1 chiếc cặp babie của tàu rất xinh nhưng không được bền lắm. Cũng bởi chương trình học những năm hai nghìn có lẻ trẻ con phải mang nhiều sách ghê gớm, nên gần như đứa nào trong lớp mình cũng được mua cặp mới vào đầu kỳ 2 lớp 1 hoặc năm lớp 2. Có những bạn có 2 chiếc thay đổi liên tục, làm đứa trẻ con như mình mê mẩn lắm. Còn mình thì dù cặp đứt, mẹ sẽ khâu lại. Mỗi lần đeo lên vai mình rón rén sợ nó đứt lắm.

Nhưng đến một ngày, chắc giữa năm lớp 2, mẹ đưa mình xuống Hà Nội mua 1 chiếc balo hơn 500 nghìn. Trời ơi! Hồi ấy cặp như vậy là xịn và đắt lắm. Thậm chí tới giờ bảo mình bỏ ra 300k mua túi sách mình còn phải lên shopee để tìm hàng rẻ trước cơ mà. Ngày ấy mua chiếc cặp mới, ai cũng nói mẹ mình chiều mình, rồi sau này quen thói sinh hư. Nhưng mẹ mình chẳng phản pháo gì, chỉ quay lại bảo nói với con:

– Con dùng cặp cẩn thận nhé, mẹ chỉ thay cặp cho con được một lần này thôi. Của bền tại người, nếu dùng đồ tốt lại biết giữ gìn thì gọi là sử dụng bền vững.

Ngày đấy mình chỉ biết nghe lời, giữ cặp cẩn thận chứ chưa có hiểu hàm ý sâu xa gì. Giờ lớn lên, thi thoảng nghĩ lại thấy nể mẹ thật. Thực ra số tiền mua 5 chiếc cặp rẻ trong 5 năm tiểu học so với một lần bỏ ra 500 nghìn, nếu so sánh về tài chính thì cách của mẹ hơn một chút. Nhưng thực ra, mẹ đã bỏ ra 500 nghìn để mua một bài học về cách giữ gìn đồ đạc cho mình, cũng như rèn tính kỷ luật trong việc chi tiêu. Những người phản đối mẹ mình chắc không biết mình đã sử dụng chiếc cặp đó tới tận năm lớp 7 lận.

Kiểu cặp mà mẹ đầu tư hẳn 500k. Hóa ra thời ấy mẹ đã mua hẳn cặp chống gù lưng rồi haha

Mình thực sự nể cách dạy của mẹ, lúc nào cũng dạy mình từ thói quen chứ chẳng cần nói lí lẽ nhiều. Bởi thói quen sẽ tạo nên tính cách thôi.

Leave a comment